- Giá cà phê trong nước tăng như vũ bão, tiến sát 120.000 đồng/kg. - Tập đoàn Apple cam kết tăng chi tiêu và thúc đẩy sự kết nối tại Việt Nam. - Mỗi lít xăng tăng 380-410 đồng, các mặt hàng dầu (trừ mazut) hạ 170-180 đồng tùy loại, từ 15h ngày 17/4. - Viện Cây ăn quả miền Nam: Ra mắt Phòng Thí nghiệm công nghệ sau thu hoạch. - Năm 2023, Tiền Giang vận động gần 19 tỷ đồng chăm lo cho người khuyết tật. - Đề xuất bổ sung 1.100 tỷ đồng vào quỹ khám chữa bệnh BHYT mỗi năm. - 21 tỉnh, thành thưởng tiền nếu sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. - Bộ Tổng Tham mưu kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu tại Bộ đội Biên phòng Tiền Giang - Tòa án Nhân dân huyện Tân Phước tuyên 792 tháng tù cho 44 bị cáo gây rối trật tự công cộng. - 30 thí sinh vào chung kết Hội thi “Duyên dáng áo dài” chào mừng thành phố Gò Công. - Cục Thuế tỉnh Tiền Giang đối thoại doanh nghiệp lần 1 năm 2024. - Xe chở 20 khách cháy ngùn ngụt trên cao tốc Trung Lương

Bắt đầu thử nghiệm vắc-xin SARS-CoV-2

Một số nhà nghiên cứu hướng đến phát triển loại vắc-xin tạm thời, giúp bảo vệ sức khỏe người được tiêm phòng trong khoảng 1-2 tháng sau mỗi lần tiêm.

Cuộc thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá loại vắc-xin phòng ngừa chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) bắt đầu tại Mỹ từ ngày 16-3. Theo một quan chức Mỹ giấu tên, tình nguyện viên đầu tiên được tiêm vắc-xin trong cuộc thử nghiệm diễn ra tại Viện Nghiên cứu Y tế Kaiser Permanente Washington ở TP Seattle, bang Washington.

Theo AP, cuộc thử nghiệm trên do Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) tài trợ và có tổng cộng 45 tình nguyện viên tham gia. Tất cả đều trẻ tuổi, có tình trạng sức khỏe tốt và sẽ nhận những liều lượng khác nhau của loại vắc-xin do NIH và Công ty Công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) bắt tay phát triển.

Quan chức Mỹ nói trên cho biết thêm các tình nguyện viên không đối mặt nguy cơ nhiễm virus trong quá trình thử nghiệm vì vắc-xin không có virus. Mục tiêu thử nghiệm là xác định xem liệu vắc-xin có gây tác dụng phụ đáng lo nào không, từ đó mở đường cho các cuộc thử nghiệm quy mô lớn hơn. Giới chức y tế Mỹ nhấn mạnh có thể mất từ 12 – 18 tháng để một loại vắc-xin phòng ngừa virus SARS-CoV-2 tiềm tàng nào đó được phê chuẩn.

Bắt đầu thử nghiệm vắc-xin SARS-CoV-2 - Ảnh 1.

Bên trong một phòng thí nghiệm đang phát triển vắc-xin SARS-CoV-2 của Công ty CureVac tại TP Tuebingen – Đức hôm 12-3 Ảnh: Reuters

Hàng chục tổ chức nghiên cứu trên thế giới đang chạy đua phát triển loại vắc-xin nói trên giữa lúc dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus SARS-CoV-2 (gọi là Covid-19) đang không ngừng lây lan trên thế giới. Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu còn hướng đến phát triển loại vắc-xin tạm thời, giúp bảo vệ sức khỏe người được tiêm phòng trong khoảng 1-2 tháng sau mỗi lần tiêm.

Tại Mỹ, Công ty Inovio Pharmaceuticals lên kế hoạch bắt đầu thử nghiệm loại vắc-xin của riêng mình vào tháng tới trong cuộc thử nghiệm có sự tham gia của hàng chục người tình nguyện tại Trường ĐH Pennsylvania và một cơ sở ở TP Kansas, bang Missouri. Ngoài ra, các nỗ lực tương tự đang diễn ra ở Hàn Quốc và Trung Quốc.

Dù vậy, tranh cãi giữa Mỹ và Đức đã xuất hiện trong nỗ lực tìm kiếm vắc-xin SARS-CoV-2. Theo Reuters hôm 15-3, Berlin đang tìm cách ngăn Washington thuyết phục một công ty Đức chuyển hoạt động nghiên cứu sang Mỹ. Giới chức Đức cũng khẳng định không quốc gia nào được phép độc quyền đối với loại vắc-xin SARS-CoV-2 trong tương lai.

Trước đó, tờ Welt am Sonntag (Đức) dẫn nguồn tin của chính phủ Đức cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tìm hiểu xem có thể tiếp cận được loại vắc-xin tiềm tàng đang được Công ty CureVac nói trên phát triển. Đích thân ông chủ Nhà Trắng đã đề nghị hỗ trợ tài chính để lôi kéo CureVac sang Mỹ với mong muốn có được loại vắc-xin SARS-CoV-2 dành riêng cho nước này. Đáp lại, chính phủ Đức đang đưa ra những đề nghị hấp dẫn hơn để thuyết phục CureVac ở lại.

Ông Florian von der Muelbe, nhà đồng sáng lập CureVac, cho biết đã phát triển một số vắc-xin SARS-CoV-2 tiềm tàng và đang lựa chọn 2 “ứng viên” tốt nhất để thử nghiệm lâm sàng. Website của CureVac cho biết Giám đốc điều hành Daniel Menichella đã gặp Tổng thống Donald Trump, Phó Tổng thống Mike Pence, đại diện cấp cao các công ty dược và công nghệ sinh học trong tháng này để bàn về chuyện phát triển vắc-xin.

Cuộc cạnh tranh nói trên diễn ra trong bối cảnh 3 quốc gia châu Âu bị trúng đòn mạnh từ dịch Covid-19 vừa ghi nhận số trường hợp tử vong mới cao nhất trong một ngày. Cụ thể, Ý hôm 15-3 có thêm 368 người tử vong, nâng tổng số lên 1.809. Con số này tại Tây Ban Nha là 97 (288) và Pháp 29 (120). Số ca tử vong mới vì Covid-19 tại Anh cũng đạt mức cao kỷ lục hôm 15-3 (14, nâng tổng số lên 35).

Theo báo The Guardian, một cột mốc đáng lo mới cũng được ghi nhận hôm 16-3 khi số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 bên trong Trung Quốc đại lục lần đầu tiên thấp hơn bên ngoài kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào cuối tháng 12-2019. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết nước này ghi nhận 80.860 ca nhiễm và 3.208 trường hợp tử vong tính đến ngày 15-3. Trong khi đó, 2 con số này trên thế giới là hơn 87.000 và 3.241.

Nguồn NLĐ

0 Bình luận

Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.

Gửi bình luận

 


 
*