Bão số 3 gây mưa lớn, đề phòng lũ quét, sạt lở, ngập úng

Bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới song tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình vẫn có mưa to, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng…

 Đêm 18-7, bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Bão số 3 gây mưa lớn, đề phòng lũ quét, sạt lở, ngập úng - Ảnh 1.

Bão số 3 gây mưa lớn khiến nhiều nơi ở TP Vinh bị ngập sâu

Tại Nghệ An, sau khi đổ bộ vào đất liền bão số 3 đã gây ra mưa lớn tại nhiều địa phương, theo số liệu từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tại Nghệ An đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lớn khiến nước lũ trên các sông, suối ở các huyện miền núi lên cao, nhiều vũng trũng bị ngập úng nặng. Dự báo trong ngày 19-7, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tiếp tục có mưa vừa, mưa to nên rất dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng trũng thấp.

Mưa lớn trong những ngày qua đã khiến gần 19 ngàn ha lúa, hoa màu, cây trồng bị ngập. Hơn 400 ha thủy sản cũng bị thiệt hại. Tuyến đường Quốc lộ 7A, bị sạt lở khiến giao thông bị ùn tắc. Ngoài ra, nhiều tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ bị sạt lở. Hàng ngàn hộ dân ở các vùng xung yếu đã phải di dời khẩn cấp.

Bão số 3 gây mưa lớn, đề phòng lũ quét, sạt lở, ngập úng - Ảnh 2.

Đến sáng 19-7, nhiều nơi vẫn còn ngập

Tại Hà Tĩnh, theo thông tin từ UBND xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, vào khoảng 19 giờ ngày 18-7, trên địa bàn xuất hiện cơn lốc xoáy quét qua địa bàn thôn 2, đã làm tốc mái, sập giàn che của 13 hộ dân, 2 nhà bị hư hỏng tài sản. Rất may cơn lốc xoáy không gây ra hậu quả đáng tiếc về người. Ngay sau khi lốc xoáy đi qua, lãnh đạo chính quyền địa phương đã kịp thời có mặt để động viên bà con khắc phục, sửa chữa lại nhà cửa và sẵn sàng các phương án ứng phó với tình hình sau bão.

Bão số 3 gây mưa lớn, đề phòng lũ quét, sạt lở, ngập úng - Ảnh 3.

Bão số 3 gây mưa lớn tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An

Hà Tĩnh: Hai người chết, hàng trăm hộ dân bị cô lập, Quốc lộ 8A sạt lở nghiêm trọng

Do ảnh hưởng của mưa lớn dài ngày, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện đã có 2 người chết, hơn 450 hộ dân bị cô lập, gần 10.000 ha lúa và hoa màu bị ngập úng. Quốc lộ 8A đi Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo bị sạt lở nghiêm trọng.

Bão số 3 gây mưa lớn, đề phòng lũ quét, sạt lở, ngập úng - Ảnh 4.

Mưa lớn kéo dài khiến nước lũ lên cao chia cắt xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang

Trong lúc đi thả lưới đánh bắt cá trong mưa lũ, 2 nạn nhân là ông Phan Đình Tường (52 tuổi, trú tại xóm Minh Thủy, xã Sơn Thủy, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) và ông Nguyễn Thành (SN 1962, trú tại thôn Bình Hòa, xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) đã không may bị đuối nước.

Mưa lớn cộng với việc nước rút chậm khiến 2 xã Đức Bồng và Đức Lĩnh, thuộc huyện Vũ Quang bị chia cắt, huyện Đức Thọ có hơn 400 hộ dân đang bị cô lập.

Bên cạnh đó, theo thống kê của Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh, do mưa lớn kéo dài mấy ngày qua, trên địa bàn tỉnh này vẫn còn xảy ra ngập úng cục bộ 6.935 ha diện tích lúa hè thu tại các địa phương Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Sơn, Lộc Hà, Can Lộc, Hương Khê, Thạch Hà, Nghi Xuân.. 2.078 ha đậu, 587 ha ngô và 551 ha rau màu các loại.

Mưa lớn cũng đã làm cho Quốc lộ 8A đi Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo có 5 điểm bị sạt lở. Nghiêm trọng nhất là tại Km 82+286 (gần Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo) hàng trăm khối đất đá rơi xuống đường gây khó khăn cho các phương tiện khi di chuyển qua đây. Ngoài ra, tại Km 80+300 cũng đã xảy ra tình trạng sạt lở mái taluy dương với 40 m­­3 đất và làm đứt 30 m đường dẫn đầu cầu Trốc Vạc.

Bão số 3 gây mưa lớn, đề phòng lũ quét, sạt lở, ngập úng - Ảnh 5.

Nước lũ cô lập hàng trăm hộ dân tại huyện Đức Thọ

Trước tình hình mưa lớn kéo dài, để đảm bảo an toàn nhà máy thủy điện Hố Hô (nằm giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình) đã xả lũ điều tiết với lưu lượng 203 m3/s; thủy điện Hương Sơn (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) xả lũ với lưu lượng từ 20 m3/s.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

Hiện nay, trên khu vực tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục có mưa rất to. Dự báo trong 3-6 giờ tới, tiếp tục có mưa vừa, mưa to.

Cảnh báo: Trong 3-6 giờ tới, sạt lở đất, lũ quét và ngập úng có nguy cơ cao xảy ra ở các huyện thuộc tỉnh Hòa Bình như: Đà Bắc, Kim Bôi, Kỳ Sơn, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Lương Sơn, Cao Phong (Hòa Bình); Bắc Hà, Bát Xát, Sa Pa (Lào Cai); trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, đặc biệt là các huyện: Con Cuông, Quỳ Hợp, Đô Lương, Thanh Chương (Nghệ An); Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy (Thanh Hóa).

Nguồn NLĐ