Bán đảo Cà Mau có tốc độ sụt lún cao nhất

Kết quả quan trắc của cơ quan Bộ TN-MT cho rằng: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu dẫn đầu khu vực ĐBSCL với mức độ lún cao nhất. Tuy nhiên, theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, khu vực bán đảo Cà Mau có tốc độ lún cao nhất.

Ngày 22-11, tại Hội thảo về sụt lún ĐBSCL được tổ chức tại TP Cần Thơ,  ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN-MT) công bố kết quả quan trắc của bộ thực hiện 10 năm qua ở TPHCM và ĐBSCL.

Kết quả quan trắc thực hiện chủ yếu ở nơi có đường giao thông, khu vực đô thị TPHCM và ĐBSCL, với tổng số 339 điểm cho thấy: Có 306 điểm quan trắc lún 0,1 – 81,4 cm; tốc độ lún trung bình 0,01 – 06,8 cm mỗi năm (33 điểm còn lại không lún (TPHCM 5 điểm). Nơi lún nhiều nhất là phường An Lạc (quận Bình Tân, TPHCM) với tổng độ lún 81cm.

TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu dẫn đầu khu vực ĐBSCL với mức độ lún cao nhất: 52,4 – 62,6 cm. Các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Long An… có độ lún nhỏ nhất: 12,4 – 15,9 cm.

Còn theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam: Khu vực bán đảo Cà Mau có tốc độ lún cao nhất”. Nguyên nhân do các đập thủy điện ở thượng nguồn làm suy giảm nguồn phù sa bùn cát. Hiện lượng bùn cát đổ về ĐBSCL giảm khoảng 70%-80%, đến năm 2040 có thể giảm đến 95%. Xu thế xói lở bờ sông, bờ biển và suy thoát lòng dẫn sẽ ngày càng nghiêm trọng.

Bán đảo Cà Mau có tốc độ sụt lún cao nhất ảnh 1Các địa phương ở vùng Bán đảo Cà Mau đang đối mặt với sụt lún nhiều nhất 

Hiện toàn vùng có khoảng 9.650 giếng khai thác nước ngầm tập trung quy mô trên 10 m3 mỗi ngày, với tổng lưu lượng khoảng 1,97 triệu m3 mỗi ngày.

Riêng TPHCM, có khoảng 1.920 giếng, với lưu lượng khai thác 520.000m3/ngày. Ngoài ra, còn khoảng trên 1 triệu giếng quy mô hộ gia đình, với lưu lượng khai thác khoảng 840.000m3/ngày.

“Sụt lún đất tại từng khu vực là hệ quả tổng hợp của các nguyên nhân tự nhiên và hoạt động của con người. Đó là đặc điểm vùng với trầm tích trẻ, đang trong quá trình cố kết, hoạt động tân kiến tạo, quá trình bóc mòn, bồi tụ bề mặt địa hình. Đồng thời, kết hợp việc khai thác nước dưới đất quá mức, xây dựng đô thị, các công trình kết cấu hạ tầng, đường giao thông, quá trình tác động xung lực của các hoạt động giao thông… Do vậy, cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu, đánh giá toàn diện và chi tiết đối với từng khu vực để có giải pháp ứng phó phù hợp”, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, đề xuất.

Nguồn SGGP