Bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Các ngành, các cấp cần tập trung thực hiện tốt Chương trình hành động Vì trẻ em giai đoạn 2011-2020

      Ngày 9/10/2011, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình hành động Vì trẻ em tỉnh Tiền Giang  giai đoạn 2001-2010, triển khai Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch “Xây dựng xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em” giai đoạn 2011-2015; triển khai Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2011-2015. Chủ trì hội nghị là bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân xuất sắc

Sau 10 năm thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em của tỉnh giai đoạn 2001 - 2010, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, sự chăm lo cho trẻ em của mỗi gia đình, cộng đồng, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã đạt kết quả khả quan, nhiều chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe, giáo dục trẻ em đạt và vượt so với kế hoạch.

Ngành y tế cùng Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em trước đây, nay là Sở Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp với các cơ quan, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống các dịch bệnh trẻ em, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng tiêm chủng mở rộng, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em. Kết quả, tỉ lệ trẻ chết dưới một tuổi từ 12%o năm 2001 đến nay giảm còn 3,0%o; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi từ 15%o giảm xuống 4,5%o. Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng từ 29,8% năm 2001 đến nay giảm còn 16,9%, giảm tỉ lệ trẻ sơ sinh dưới 2.500 gram còn 3,7%.

Về mục tiêu giáo dục có chuyển biến tích cực, tỉ lệ học sinh lưu ban bỏ học giảm dần, tỉ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi, học sinh tốt nghiệp, học sinh giỏi ngày càng cao. Chất lượng phổ cập giáo dục, phổ cập THCS được củng cố. Tỉ lệ trẻ từ 3-5 tuổi vào mẫu giáo từ 36% năm 2001 đến nay đạt 55,6%, tỉ lệ trẻ em 5 tuổi vào mẫu giáo từ 80% năm 2001 đến nay đạt 99%. Tỉ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi đều tăng đáng kể, đến nay học sinh tiểu học đạt 98%, THCS đạt 97%, THPT đạt 98%

Trong 10 năm qua, đã tổ chức phẫu thuật: sứt môi, hở hàm ếch cho gần 2.000 em, phục hồi hậu môn 400 em, tim bẩm sinh 200 em, đục thủy tinh thể 200 em, sẹo bỏng 1.000 em, khuyết tật khác trên 800 em,… góp phần phục hồi các chức năng cho trẻ em sớm hòa nhập cộng đồng. Đến nay, tỉnh Tiền Giang cơ bản đã thực hiện xong “Chương trình Vì nụ cười tuổi thơ”, “Vì ánh mắt trẻ thơ”, “Vì bước đi vững chắc của trẻ thơ”,… Tổng kinh phí cho Chương trình mục tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh giai đoạn 2001-2010 gần 5 tỉ đồng; ngoài ra còn vận động các nhà hảo tâm  đóng góp bằng hiện vật với số tiền trên 10 tỉ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn hạn chế là một số mục tiêu của Chương trình hành động vì trẻ em chưa thực hiện tốt, quyền của trẻ em chưa thật sự đảm bảo. Theo chỉ tiêu đến năm 2010, toàn tỉnh có 50% số xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em, nhưng đến nay toàn tỉnh chỉ có 37/169 đơn vị có nhà văn hóa cũng là điểm để trẻ em vui chơi, giải trí (chiếm 21%). Bên cạnh đó, mục tiêu chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn hạn chế; tình trạng trẻ em lao động sớm ngày càng gia tăng; hiện nay chưa có Trung tâm công tác xã hội trẻ em, để kịp thời hỗ trợ khi trẻ em bị bỏ rơi, ngược đãi,…

Để thực hiện tốt “Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2015”, bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành , thị quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Sở LĐ- TB-XH chủ trì, phối hợp với các sở, ngành củng cố tổ chức, bộ máy làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ tỉnh đến cơ sở. Phối hợp với Sở Tài chính lập kế hoạch của tỉnh triển khai nguồn kinh phí bổ sung theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng ngừa, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;  chỉ đạo giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm phạm tình dục, lạm dụng sức lao động, bị bạo lực. Tăng cường các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, chú ý nạn đuối nước; ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo, các ngành và người dân kiến thức bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, chuyên môn cho cán bộ tuyến cơ sở. Hoàn thiện, bố trí điểm vui chơi cho trẻ em tại các nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, trong đó xây dựng và quản lý tốt phòng đọc sách để các em có môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn  thể,  tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp phối hợp với ngành LĐ-TB-XH vận động hội viên và nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác trẻ em. UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo Phòng LĐ-TB-XH phối hợp các ngành, đoàn thể, UBND xã, phường bố trí cán bộ có đủ năng lực làm công tác này ở tuyến cơ sở; ưu tiên bố trí nguồn lực; có kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn mới.

Dịp này, UBND tỉnh đã tặng 12 bằng khen cho tập thể và 03 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em 10 năm qua.