Australia cam kết giảm từ 26% đến 28% lượng khí thải vào năm 2030

Ngày 11/8, Thủ tướng Australia Tony Abbott thông báo, chính phủ nước này đã nhất trí mục tiêu đến năm 2030 giảm lượng khí thải cácbon gây hiệu ứng nhà kính ít nhất từ 26% – 28% so với mức của năm 2005.

Kế hoạch cắt giảm khí thải của Australia sẽ được đệ trình lên Hội nghị khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, diễn ra vào cuối tháng 8/2015, trước khi diễn ra Hội nghị về biến đổi khí hậu diễn ra tại Paris vào cuối năm nay.

 

Chính phủ Australia cam kết giảm 26% đến 28% lượng khí thải nhà kính
(Ảnh minh họa: Ibtimes)

Kế hoạch mới này có mức cắt giảm ít hơn so với cam kết cắt giảm của các nước lớn khác như Canada và Mỹ, đồng thời cũng thấp hơn mục tiêu đề ra trong một đề nghị dự thảo nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính của Australia lên tới 30% trong giai đoạn đó. Vì vậy, mục tiêu mới này đã vấp phải sự chỉ trích của các nước cũng như của các nhà hoạt động về môi trường. Trong khi đó, Mỹ cam kết sẽ cắt giảm khí thải tổng thể từ 26% – 28% vào năm 2025, so với năm 2005. Liên minh châu Âu cũng cam kết giảm 40% so với mức năm 1990 vào năm 2030.

Theo Thủ tướng Tony Abbott, các quyết định của nước này xuất phát từ việc Australia cùng một lúc phải đảm bảo cân bằng mục tiêu phát triển kinh tế và giảm lượng khí thải. Chi phí để đạt được mục tiêu cắt giảm 26% khí thải vào năm 2030 sẽ tương đương với khoảng từ 0,2% và 0,3% tổng GDP của nước này.

Chính phủ liên đảng cầm quyền tại Australia cho rằng mục tiêu trên sẽ không ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của Australia và có thể tăng lên 28% phụ thuộc vào mức độ tác động đối với nền kinh tế. Theo Bộ trưởng Tài chính Australia Mathias Cormann, điều quan trọng là Australia cần đóng góp trách nhiệm trong nỗ lực toàn cầu về giảm khí thải.

Tuy nhiên, Công đảng đối lập và đảng Xanh cho rằng mục tiêu này quá thấp và sẽ đẩy Australia thụt lùi khi nhiều nước như Anh, Mỹ, Đức đều đặt mức giảm khí thải từ 40 – 48%. Nhật Bản hiện đặt mục tiêu giảm khí thải là 25% và Canada là 30%.

Hội đồng Chống biến đổi khí hậu Australia – một tổ chức nghiên cứu độc lập phi lợi nhuận, cho biết, ở Australia, với mức nhiệt tăng 0,9 độ C, số ngày nắng nóng đã tăng gấp đôi trong vòng 50 năm qua. Các đợt nắng nóng cũng kéo dài với nhiệt độ cao hơn. Nóng và khô hơn là nguyên nhân chính dẫn tới cháy rừng, tăng nguy cơ cháy rừng ở mức nguy hiểm, trong khi các khu vực ven biển của Australia dễ bị lũ lụt. Nếu nhiệt độ tăng dưới 2°C, đến năm 2030, Australia cần cắt giảm phát thải khí thêm 60% so với năm 2000. Theo tổ chức này, nếu tính theo đầu người, Australia là một trong những nước có lượng khí thải lớn nhất thế giới và là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đứng thứ 13 trên thế giới.

Chủ tịch Hội đồng Chống biến đổi khí hậu Australia, giáo sư Tim Flannery chỉ trích những mục tiêu mà chính phủ của Thủ tướng Tony Abbott đưa ra không đủ để bảo vệ người dân nước này trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, điều này sẽ khiến uy tín của Canberra giảm sút vì không đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Cũng trong ngày 11/8, Thủ tướng Australia Tony Abbott công bố sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh Khí hậu của Liên hợp quốc diễn ra tại Paris vào tháng 12/2015, khi các nhà lãnh đạo thế giới sẽ cố gắng tiến tới một thỏa thuận toàn cầu mới về việc cắt giảm lượng khí thải sau năm 2020. Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop sẽ đại diện Australia tham dự hội nghị.

Australia là một trong những nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới tính theo đầu người, do sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn dự trữ than đá dồi dào rẻ tiền để tạo ra điện. Các nhà phê bình cho rằng, tầm quan trọng về mặt kinh tế của ngành than giải thích lý do tại sao Thủ tướng Abbott phản đối việc sử dụng các tua-bin gió trên lãnh thổ Australia.

Được biết, mục tiêu hiện nay của Australia là giảm 5% vào năm 2020, dựa trên mức khí thải của năm 2000. Việc thay đổi mốc để giảm khí thải từ năm 2000 sang năm 2005 sẽ khiến mục tiêu của Chính phủ Australia dễ thực hiện hơn so sới của Mỹ và Canada. Tuy nhiên, mốc 2005 là năm có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đặc biệt cao – mức cao thứ hai kể từ năm 1990 khi Nghị định thư Kyoto bắt đầu có hiệu lực./.

Nguồn ĐCSVN