ASEAN gia tăng nỗ lực chống tội phạm xuyên quốc gia

Malaysia với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2015 đã góp phần thúc đẩy sự quan tâm của khu vực trước nguy cơ khủng bố và các hoạt động buôn lậu xuyên biên giới gia tăng.

Ngày 29/9 vừa qua, hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về Tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 10 (AMMTC 10) đã diễn ra tại Kuala Lumpur và các bộ trưởng ASEAN đã thông qua Tuyên bố Kuala Lumpur về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia vào ngày 1/10.

Các bên cũng thống nhất xây dựng Kế hoạch hành động ASEAN mới, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các điều khoản liên quan về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia được xác định trong Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị-An ninh sau năm 2015, tăng cường hợp tác và phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật trong ASEAN, tăng cường năng lực của hệ thống tư pháp hình sự, gồm cả thẩm phán, công tố viên và các quan chức thực thi pháp luật trong ASEAN và với các tổ chức khu vực và quốc tế liên quan, cũng như tăng cường phối hợp và trao đổi, quản lý thông tin một cách hiệu quả.

ASEAN đã nhất trí tổ chức AMMTC hàng năm thay vì 2 năm/ lần từ năm 2016 do nhận thức được tầm quan trọng ngày càng tăng của hoạt động tội phạm xuyên quốc gia. Các lĩnh vực của hoạt động phạm tội này cũng đã được mở rộng và ASEAN đã ghi nhận sự gia tăng của các hình thức mới của tội phạm xuyên quốc gia trong vài năm qua. Trong khi tội phạm xuyên quốc gia theo truyền thống được giới hạn trong 8 lĩnh vực – buôn bán ma túy, khủng bố, tội phạm kinh tế, buôn người, rửa tiền, cướp biển, buôn lậu vũ khí và tội phạm mạng – ba lĩnh vực mới đã được thêm vào: buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã, buôn lậu gỗ và vận chuyển người trái phép.


Một trại buôn người đã bị bỏ hoang tại Malaysia

Đối mặt với nạn khủng bố

Một loạt những sự kiện liên tiếp gần đây đã dấy lên lo ngại về nguy cơ cao xảy ra các vụ tấn công khủng bố tại Đông Nam Á. Sau vụ đánh bom nghiêm trọng tại Thái Lan tháng 8 vừa với sự tham gia của các nhóm tội phạm có tổ chức, tờ Thái Dương của Hong Kong (Trung Quốc) ngày 30/9 đưa tin, gần đây cảnh sát Malaysia đã cảnh báo, khu phố ẩm thực Jalan Alor tại thủ đô Kuala Lumpur nhiều nguy cơ sẽ xảy ra tấn công khủng bố.

Trước đó, ngày 24/9, Đại sứ quán Mỹ tại Malaysia cũng đã kêu gọi công dân nước này tránh xa Jalan Alor, do có “thông tin đáng tin cậy về nguy cơ xảy ra hành động khủng bố” tại đây.

Đầu tháng 9 năm nay, cảnh sát Malaysia đã tăng cường kiểm soát an ninh tại các đại sứ quán và nơi công cộng sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đe dọa sẽ thực hiện các cuộc tấn công ở một số nước, trong đó có Malaysia.

Và vào tháng 8, Indonesia đã phá vỡ một âm mưu, bị cáo buộc ủng hộ IS đánh bom một trạm cảnh sát và các nhà thờ trong nước trong lễ kỷ niệm ngày độc lập nước này. Trước đó, vào tháng 3, Indonesia xét xử 4 nghi phạm người Duy Ngô Nhĩ do đã tham gia vào âm mưu tội ác với nhóm khủng bố của Santoso ở Poso, một điểm nóng bạo lực giữa tín đồ Kitô giáo và người theo đạo Hồi. Cảnh sát nước này đã tìm thấy hình dán có biểu tượng của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) trong chiếc xe chở 4 người này khi họ bị bắt.

Các chính phủ Đông Nam Á – đặc biệt là Indonesia, Malaysia và Singapore – đã trở nên ngày càng lo lắng về mối đe dọa mà hoạt động khủng bố đem lại. TheMalaysianInsider cũng dẫn nguồn tin cảnh sát cho hay mối đe dọa tấn công khủng bố tại nước này có liên quan tới việc bắt giữ một số phần tử có quan hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Malaysia và Indonesia là những quốc gia có số lượng người theo đạo Hồi lớn nhất thế giới. Cùng với nhiều nước Hồi giáo trên thế giới thực hiện cơ chế miễn thị thực nhập cảnh, Kuala Lumpur trở thành “trạm trung chuyển” và nơi “hội tụ – phân tán” của các phần tử Hồi giáo cấp tiến, đặc biệt từ sau khi các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông gia tăng hoạt động.

Các phần tử vũ trang Hồi giáo đã theo đường hàng không quá cảnh ở Kuala Lumpur bay sang các nước khác, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó xâm nhập vào Syria. Lực lượng sảnh sát Malaysia từng một lần bắt tới hơn 40 thành viên vũ trang đến từ các nước Hồi giáo khác.

Cơ quan tình báo Malaysia phát hiện, hiện có 4 tổ chức Hồi giáo cực đoan mới được thành lập trong nội địa Malaysia, gồm BKAW, ADI, BAJ và Dimzia. Ngoài ra, Malaysia cũng đã trở thành “hành lang” để người Duy Ngô Nhĩ vùng Tân Cương, Trung Quốc nhập cảnh trái phép.

Buôn lậu và vận chuyển người trái phép

Malaysia tập trung vào vai trò tội phạm xuyên quốc gia như một vấn đề quan trọng trong nhiệm kì Chủ tịch ASEAN như một nỗ lực vượt bậc. Trước đó, nhiều tranh cãi đã nổ ra sau khi phát hiện ra các ngôi mộ tập thể trong rừng rậm thuộc khu vực biên giới giữa Thái Lan và Malaysia.

Đầu tháng 5 vừa qua, cảnh sát Thái Lan đã tìm thấy ít nhất 26 thi thể ở tỉnh tỉnh Songkhla, Thái Lan, gần biên giới Perlis, miền bắc Malaysia. Cuối tháng 5, báo Utusan Malaysia cũng đưa tin phát hiện ra 30 ngôi mộ lớn, chứa hài cốt hàng trăm người ở hai khu vực thuộc Perlis.

Vùng biên giới Malaysia – Thái Lan là một điểm dừng dọc theo tuyến đường buôn lậu người đến Đông Nam Á. Trong đó, những trại lớn nhất có thể có tới 1.000 người. Các trại người tị nạn đã được sử dụng bởi những kẻ buôn bán người với đối tượng được cho là người Rohingya theo đạo Hồi từ Myanmar và người Bangladesh đi tìm việc.

Theo tờ TheDiplomat, Thái Lan luôn giữ một vai trò quan trọng, điểm trung chuyển và điểm đến cho các hoạt động tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong khu vực và tiểu khu vực. Tháng 6/2014, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhận định Thái Lan là một trong những trung tâm tồi tệ nhất trên thế giới đối với nạn buôn người.

Về vấn nạn buôn bán thuốc phiện, đầu năm 2015, Cơ quan phòng chống Ma tuý và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) cũng đã cảnh báo rằng việc trồng cây thuốc phiện tại Tam giác vàng Đông Nam Á, khu vực biên giới Thái Lan, Myanmar và Lào đang tăng nhanh, và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia hoạt động trong khu vực ASEAN rộng lớn tạo ra hơn 100 tỷ USD mỗi năm.

Tháng 1/2015, Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan Paiboon Koomchaya và Văn phòng tại Thái Lan của Ban kiểm soát Ma túy cũng đã thừa nhận rằng Thái Lan đã trở thành một trung tâm buôn bán ma túy quan trọng trong khu vực ASEAN.

Malaysia chủ động

Bên cạnh việc kêu gọi sự chung tay của ASEAN, Malaysia cũng đã đưa ra một loạt các sáng kiến đơn phương và song phương. Ngày 17/9, Phó Thủ tướng nước này Zahid tuyên bố thành lập một cơ quan an ninh biên giới mới, tổ chức nâng cao của đơn vị chống buôn lậu (UPP) hiện nay của Malaysia.

Zahid chỉ ra rằng Malaysia mất đến 7 tỷ ringgit mỗi năm do biên giới không được kiểm soát chặt chẽ, bao gồm cả sự thất thoát hàng hóa trong các ngành bao cấp. Ông cũng lưu ý rằng giá trị hàng hóa nhập lậu đã bị tịch thu, từ thuốc lá cho đến xe cộ từ tháng 1-8/2015 đã tăng gấp đôi lên 38 triệu ringgit từ mức 18 triệu năm 2014 và 17 triệu năm 2013.

Đầu tháng 9, Thái Lan và Malaysia cũng đã đồng ý cùng xây tường dọc biên giới chung vào năm 2016 để ngăn chặn hoạt động buôn bán người. Ngay sau đó, Malaysia và Indonesia đã nhất trí tăng cường hợp tác song phương về chống khủng bố sau một chuyến thăm làm việc 4 ngày của Phó thủ tướng Malaysia, Ahmad Zahid Hamidi đến Jakarta.

Malaysia và ASEAN ngày càng quan tâm và đang thể hiện những quyết tâm vượt bậc trong hoạt động phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.

Nguồn Tổ quốc