ASEAN 50 tuổi với các thách thức chờ đón

Đoàn kết và liên kết sẽ giúp ASEAN vững bước vào thời kỳ phát triển mới.

Ngày 9/6/2017, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao, phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã tổ chức cuộc Hội thảo quốc tế “Chuyển dịch địa chính trị ở châu Á-Thái Bình Dương và chặng đường nửa thế kỷ của ASEAN”. Hội thảo có sự tham gia của hàng trăm học giả có uy tín ở khu vực và Việt Nam. Đây là một trong các hoạt động trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm ngày thành lập ASEAN.

ASEAN 50 tuổi với các thách thức chờ đón - ảnh 1

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng nhóm quan chức cao cấp (SOM) của Việt Nam tại ASEAN, nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ của ASEAN,  nêu bật các thành tựu lớn của ASEAN và các thách thức đặt ra trước tổ chức khu vực này khi bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo.

Cách đây gần 50 năm, ngày 8/8/1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập tại Bangkok. ASEAN ra đời trong chiến tranh lạnh gồm 5 quốc gia, vào thời điểm các thành viên bất an trước sự đối đầu các nước lớn. Đến năm 1999, ASEAN đã là một tổ chức khu vực gồm 10 quốc gia thành viên, hoạt động dưới mái nhà chung, với 625 triệu dân, thương mại nội khối hơn 1 nghìn tỷ USD.

Từ một khu vực có nhiều điểm khác biệt, các quốc gia nghi ngờ lẫn nhau, ASEAN ngày nay là đối tác của sự phát triển, của sự thay đổi và của sự hội nhập thế giới. Từ một cơ cấu hợp tác tiểu khu vực trở thành tổ chức hợp tác khu vực toàn diện. ASEAN có vai trò lớn duy  trì hòa bình, ổn định tại Đông Nam Á, dưới ngọn cờ chung dựa trên những nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết các bất đồng, xung đột một cách hòa bình, thông qua cơ chế chính thức và không chính thức.

Ông Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nhìn lại thành tựu 50 năm, nhấn mạnh 4 thay đổi lớn của ASEAN: Một là, năm 1967, chiến tranh nóng, xung đột căng thẳng đang diễn ra ở khu vực, nay chiến tranh đã kết thúc, Đông Nam Á trở thành khu vực hòa bình, ổn định; hai là, cách đây nửa thế kỷ, Đông Nam Á đa phần là các nước nghèo, kém phát biển, ngày nay tuy mức độ còn khác nhau, nhưng các thành viên ASEAN đã có trình độ phát triển tương đối cao và trở thành một khu vực phát triển của thế giới; ba là, trước đây Đông Nam Á chia rẽ, ngày nay ASEAN là một tổ chức đoàn kết; bốn là, trong quan hệ với các nước lớn, từ vai trò như những quân cờ, ngày nay ASEAN đóng vai trò dẫn dắt các cơ chế khu vực, được tất cả các nước lớn trên thế giới tôn trọng. Bài học quan trọng nhất của ASEAN nửa thế kỷ hoạt động, đó là ASEAN chỉ mạnh khi các thành viên liên kết và đoàn kết, chỉ khi ASEAN giữ vững độc lập, tự chủ trong quan hệ với các nước lớn, từ đó mới phát huy được vai trò nòng cốt, chủ động dẫn dắt các cơ chế khu vực ở Đông Á.

ASEAN 50 tuổi với các thách thức chờ đón - ảnh 2

Đại biểu Indonesia Andrew Mantong, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược  (CSIS), nhấn mạnh tầm quan trọng việc hình thành Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột chính trị an ninh, kinh tế tạo thị trường chung, cộng đồng văn hóa xã hội. ASEAN  là tổ chức đi đầu trong sáng kiến an ninh khu vực, đứng đằng sau các sắp xếp khu vực ASEAN +, được các nước lớn chấp nhận, giúp ASEAN vượt qua những biến đổi địa chính trị tại Đông Nam Á.

ASEAN tạo được bản sắc và con đường riêng, cùng với Cộng đồng châu Âu (EU), là tổ chức khu vực thành công trên thế giới.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực chuyển biến khó lường, cán cân quyền lực nước lớn đang dịch chuyển, nhiều điểm nóng trở nên nóng hơn. Châu Á-Thái Bình Dương có nhiều rủi ro, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, trật tự mới ở khu vực đang hình thành với nhiều bất trắc. Cuộc xung đột Biển Đông vẫn chưa được giải quyết. Cuộc xung đột này không phải do ASEAN gây ra, nay 10 cây ASEAN chụm lại hay 10 cây đứng riêng biệt trong việc giải quyết cuộc xung đột này – đó là thực tế ASEAN không có cách gì lẩn tránh.

Về mặt kinh tế, thương mại nội khối chiếm 30% thương mại của các quốc gia thành viên là một bước tiến so với 11% vào năm 1992, tuy nhiên, xuất khẩu của các nước thành viên vẫn chủ yếu hướng ngoại, sự tăng trưởng vẫn còn chậm. Việt Nam xuất khẩu tại ASEAN chỉ 20% tổng thương mại của nước mình.

ASEAN đang bước sang kỷ nguyên mới, với các thách thức trong việc xây dựng cộng đồng, liên kết nội khối, phát huy vai trò trung tâm trong các cơ chế khu vực, thúc đẩy an sinh xã hội, tăng cường phục vụ lợi ích của người dân.

Nhiều đại biểu nhất trí cho rằng ASEAN đang bước sang kỷ nguyên mới, với các thách thức trong việc xây dựng cộng đồng, liên kết nội khối, phát huy vai trò trung tâm trong các cơ chế khu vực, thúc đẩy an sinh xã hội, tăng cường phục vụ lợi ích của người dân, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm cho các hoạt động của tổ chức.

Các đại biểu đặt hy vọng vào việc ASEAN vững mạnh tiến bước trong chặng đường 50 năm tiếp theo, trong đó tăng cường đoàn kết và liên kết là yếu tố quyết định./.

Nguồn Tổ quốc