APEC 22 đạt nhiều thỏa thuận kinh tế thương mại

Những sáng kiến mới, các cuộc gặp song phương ấn tượng tại Bắc Kinh vẫn không che đậy sự thiếu tin cậy chiến lược giữa các thành viên.

Một quốc gia khi đạt tới tầm cỡ nền kinh tế thứ hai thế giới như Trung Quốc không tránh khỏi việc làm cho thế giới cảm nhận được sức mạnh đó. Cũng không tránh khỏi sự lồng ghép những chương trình quốc gia vào các chương trình nghị sự quốc tế, tạo ra sân chơi của mình. Đó là điều đã diễn ra tại hội nghị cấp cao APEC lần thứ 22 do Trung Quốc đăng cai.

Báo chí Trung Quốc đã không tiếc lời ca ngợi sáng kiến lớn của Trung Quốc về Khu vực thương mại tự do toàn châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP). Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: “Đây là một bước tiến lịch sử theo hướng mở ra một khu vực tự do thương mại tại châu Á- Thái Bình Dương”. Chủ tịch Trung Quốc cho rằng, APEC là một đại gia đình, cần hợp tác xây dựng kết cấu kinh tế mở, phát triển sáng tạo, tăng cường liên kết, dung hòa lợi ích, phù hợp với lợi ích của tất cả các thành viên, tin cậy lẫn nhau, bao dung, hợp tác và cùng thắng.

Các nhà phân tích cho rằng, sáng kiến này của Trung Quốc là nhằm đối trọng với hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng. Trung Quốc cho rằng TPP là một nỗ lực của Mỹ hạn chế ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại khu vực và cùng với việc Mỹ thúc đẩy đàm phán thỏa thuận tự do thương mại xuyên Đại Tây Dương với EU (TTIP), Mỹ muốn tiếp tục duy trì quyền xác định luật chơi thương mại toàn cầu thế kỷ 21. Một nhà bình luận Trung Quốc nói: “Nếu Mỹ không muốn Trung Quốc tham gia TPP, Trung Quốc sẽ tự thành lập một khối thương mại riêng của mình”.

03
APEC 22 Bắc Kinh đưa ra nhiều chương trình hợp tác có thể tác động sâu rộng đến đời sống kinh tế thương mại châu Á – Thái Bình Dương thế kỷ 21

Hội nghị đã thông qua 2 Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC về “Chương trình nghị sự Bắc Kinh vì một châu Á –Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo và kết nối” và “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á—Thái Bình Dương” cùng 4 văn kiện kèm theo về “Lộ trình Bắc Kinh về đóng góp của APEC đối với việc thực hiện Khu vực thương mại tự do toàn châu Á—Thái Bình Dương (FTAAP)”, “Kế hoạch chiến lược của APEC về thúc đẩy hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu”, “Thỏa thuận APEC về phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng” và “Kế hoạch tổng thể kết nối APEC 2015-2025”.

Kế hoạch tổng thể về kết nối của APEC được thông qua tại Hội nghị được lồng ghép với các sáng kiến quan trọng của Trung Quốc như “Nhất đới, Nhất lộ” (một vành đai, một con đường) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Hội nghị nổi lên các mối quan hệ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh giữa các cường quốc. Cụm từ “lộ trình” trong việc xây dựng dự án FTAAP phản ánh sự cần thiết phải có sự đồng thuận của cả 21 thành viên APEC, mặc dù Trung Quốc muốn có một thông cáo chung đề cập đến “một nghiên cứu khả thi” cho dự án FTAAP. Mỹ tỏ ra không mặn mà vì không muốn bị ràng buộc khởi động ngay tiến trình đàm phán; nhưng vì những ràng buộc lợi ích với Trung Quốc, Mỹ chấp nhận ý tưởng, nhưng kéo dài thời điểm “nghiên cứu”. Trung Quốc cũng cần sự ủng hộ của Nhật Bản cho các sáng kiến kinh tế nên đã chấp nhận một cuộc gặp song phương bên lề APEC giữa Shinzo Abe-Tập Cận Bình.

FTAAP có thể giúp gắn kết và bao trùm lên 2 thỏa thuận tự do thương mại đang đàm phán là TPP không có Trung Quốc và Hiệp định đối tác kinh tế khu vực (RCEP) do Trung Quốc đề xướng không có Mỹ. Đàm phán FTAAP sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian và nguồn lực hơn TPP do tính đa dạng và số lượng nhiều thành viên trong APEC.

Các chuyên gia nhận định, APEC 22 là sự kiện quốc tế quan trọng đầu tiên diễn ra tại Trung Quốc kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền và Hội nghị này sẽ tạo điều kiện để Bắc Kinh có thể “vận động hành lang” để giành được một vai trò quan trọng hơn trên tường quốc tế. Với nguồn dự trữ ngoại tệ hùng hậu gần 4.000 tỷ USD, Trung Quốc có năng lực thúc đẩy các sáng kiến mới nhằm giúp Bắc Kinh có tiếng nói lớn hơn và một vị thế mới tại châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc sẽ trích quỹ 100 tỷ USD để dùng cho việc hỗ trợ cơ chế APEC cũng như xây dựng năng lực, triển khai các hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Vào dịp hội nghị APEC, Trung Quốc cũng tuyên bố thành lập Quỹ Con đường Tơ lụa và đóng góp số tiền lên đến 40 tỷ USD để hiện thực hóa nó. Ngoài ra, vào đầu năm 2014, Bắc Kinh đã khai trương một ngân hàng phát triển khu vực với sự tham gia của 20 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương.

Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng, một con én không thể làm nên mùa xuân, một con chim lẻ bóng khó thành hàng; hy vọng các thỏa thuận Bắc Kinh là khởi điểm mới để có thể dẫn đường cho nền kinh tế thế giới bay về phía trời cao.

Tuy nhiên, câu hỏi được giới quan sát đặt ra, đó là những sáng kiến của Bắc Kinh về kinh tế có được hiện thực hóa thành xu hướng điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng thiện chí và hòa giải vì sự ổn định của khu vực châu Á – Thái Bình Dương hay không, hay chỉ là những hành động mang tính chiến thuật, ngắn hạn phục vụ cho thành công của hội nghị APEC Bắc Kinh. Có nhà quan sát cho rằng, các sáng kiến thì mới, nhưng câu hỏi thì vẫn cũ./.

Nguồn toquoc.gov.vn