Áp lực tỷ giá đè nặng lên doanh nghiệp

Một ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều chỉnh biên độ tỷ giá, thị trường liên ngân hàng tiếp tục có những điều chỉnh. Các ngân hàng thương mại (NHTM) điều chỉnh tỷ giá niêm yết theo thị trường để kịp thời cân đối nhu cầu cho các khách hàng. Về phía các doanh nghiệp (DN), nhất là DN xuất khẩu (tính theo tỷ giá Nhân dân tệ), đang tỏ ra khá lo lắng, đau đầu tìm biện pháp đối phó với biến động tỷ giá.

 Các doanh nghiệp dệt may chịu nhiều ảnh hưởng của biến động tỷ giá. Trong ảnh: Công nhân Công ty cổ phần Đồng Tiến - Dovitec (Đồng Nai) sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. Ảnh: MINH TRANG
Các doanh nghiệp dệt may chịu nhiều ảnh hưởng của biến động tỷ giá. Trong ảnh: Công nhân Công ty cổ phần Đồng Tiến – Dovitec (Đồng Nai) sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. Ảnh: MINH TRANG

Phản ứng nhanh và phù hợp

Chỉ trong vòng ba ngày (từ 11-8 đến 13-8), Trung Quốc đã hạ giá đồng nhân dân tệ (NDT) tới 4,67%. Đây là mức điều chỉnh “kỷ lục” trong hơn 20 năm trở lại đây, khiến tỷ giá NDT giảm xuống mức thấp nhất so với USD trong vài năm trở lại đây. Với vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, việc đồng NDT mất giá mạnh đã làm “chao đảo” thị trường tài chính và hàng hóa của thế giới. Nước ta đương nhiên cũng phải chịu áp lực lớn từ việc điều chỉnh hạ giá NDT do Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời cũng là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Ngày 12-8, NHNN đã quyết định điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-2% (áp dụng từ ngày 12-8). Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.673 VNĐ/USD, tỷ giá trần là 22.106 VNĐ/USD, tỷ giá sàn là 21.240 VNĐ/USD. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, tác động của việc giảm giá đồng NDT của Trung Quốc đối với tỷ giá USD/VNĐ có dấu hiệu mạnh lên nhưng không nhất thiết phải điều chỉnh tỷ giá bình quân thời điểm này.

Đến 15 giờ ngày 13-8, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam -Vietcombank (VCB) đã điều chỉnh tăng tỷ giá USD, hiện niêm yết mua vào – bán ra ở mức 22.035 – 22.105 đồng/USD (tăng 45 đồng mua vào/bán ra so cuối ngày hôm trước). Đánh giá về quyết định điều chỉnh của NHNN, Phó Tổng Giám đốc VCB Phạm Thanh Hà khẳng định: Đây là một quyết định đúng đắn, kịp thời, nằm trong kỳ vọng của thị trường. Quyết định này tạo thêm sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá USD/VNĐ trước các biến động bất lợi trên thị trường quốc tế. Các NHTM mong muốn NHNN tiếp tục nhất quán trong chính sách điều hành và can thiệp, hỗ trợ thị trường một cách kịp thời như đã và đang thực hiện trong thời gian qua.

Cuối năm là thời điểm cả cung và cầu ngoại tệ đều tăng mạnh. Với định hướng tỷ giá mục tiêu 2% và biên độ tỷ giá được nới rộng như hiện tại, thị trường ngoại hối nhiều khả năng sẽ hoạt động ổn định và hiệu quả. Thực tế, VCB vẫn mua ròng từ đầu năm đến nay, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của khách hàng. Do vậy, áp lực tỷ giá trong vòng bốn tháng từ nay đến cuối năm cũng sẽ như diễn biến mọi năm và có thể không đáng lo ngại sau việc điều chỉnh của NHNN.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cũng cho biết, động thái nới biên độ tỷ giá của NHNN thể hiện phản ứng nhanh và tương đối phù hợp về mặt thời điểm bởi Trung Quốc đã và đang hạ giá rất mạnh đồng NDT. Nếu Việt Nam không có động thái liên quan đến tỷ giá thì khả năng cạnh tranh về xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ thương mại rất lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tổng lượng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc chiếm khoảng 15% tổng lượng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, điều này cho thấy sự linh hoạt hơn trong điều hành của NHNN trong chính sách tỷ giá, vì với việc nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá từ 1% lên 2% cho thấy vẫn giữ được cam kết của NHNN hồi đầu năm là điều chỉnh tỷ giá năm nay không quá 2% nhưng vẫn linh hoạt hơn, biên độ giao dịch được nới rộng hơn thì đồng Việt Nam có thể điều chỉnh lên hoặc xuống, tức là giao dịch trên thị trường lên hoặc xuống trong biên độ 2% đó.

Cũng theo ông Lực, năm nay, Trung Quốc có động thái rất mạnh về chính sách lãi suất và tỷ giá. Đây là một đối tác lớn, quan trọng của Việt Nam, cho nên áp lực về tỷ giá đối với NHNN từ nay đến cuối năm sẽ nặng nề và căng thẳng hơn so với các năm trước. “Trong vài ngày nay, các nước trong khu vực cũng đã và đang điều chỉnh tỷ giá chứ không riêng gì Việt Nam. Việc chúng ta làm như vậy cũng tạo sự cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam không những với Trung Quốc mà cả các nước trong khu vực, như vậy chúng ta có thể cân bằng hơn thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Về lâu dài, quan điểm của tôi là chúng ta cần phải tái cấu trúc để bớt lệ thuộc quá nhiều vào thương mại với Trung Quốc” – ông Lực nhận định.

Đối phó ra sao với hiện tượng “phá giá”?

Trong lĩnh vực dệt may, nhận định chung của đại diện các DN là mức ảnh hưởng không lớn trong trước mắt, nhưng về lâu dài nguy cơ cạnh tranh sẽ rất khốc liệt. Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến (Đồng Nai) Nguyễn Văn Hoàng cho biết, đối với những hợp đồng đã ký kết với các đối tác, DN của Trung Quốc trước đây sẽ không có thay đổi và thời gian trước mắt cũng không có tác động gì lớn. Do ngành dệt may nước ta chưa có nền công nghiệp hỗ trợ phát triển nên khoảng 80% các nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ Trung Quốc, do vậy đồng NDT giảm giá, sẽ có lợi đối với các DN nhập khẩu. Tuy nhiên, về lâu dài, chắc chắn các khách hàng sẽ phải đàm phán lại và yêu cầu giảm giá sản phẩm đầu ra, mức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường sẽ ngày càng gay gắt, quyết liệt hơn. Cụ thể, Trung Quốc giảm giá đồng NDT với mục đích đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, khi đó các DN của Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa với giá rẻ hơn, thì các DN Việt Nam muốn cạnh tranh được, yêu cầu bắt buộc phải giảm giá bán sản phẩm.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit Việt Nam (TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Lâm Viên tỏ ra hết sức lo lắng: “DN chúng tôi mỗi năm xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc với giá trị gần 10 triệu USD. Đương nhiên, công ty sẽ bị tác động tiêu cực trực tiếp. Nhìn rộng hơn, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Nguyên tắc ảnh hưởng “đô-mi-nô” cho thấy, nhập khẩu nông sản của Trung Quốc từ Việt Nam sẽ giảm khoảng 3%, mà ảnh hưởng trực tiếp là gạo, sắn, khoai lang, hạt điều,… và cuối cùng, nông dân chính là người bị thiệt hại nặng nhất”. Chủ tịch HĐQT Tổng công ty thương mại Quảng Trị (Sepon Group) Phan Văn Sinh cho biết, việc đồng NDT của Trung Quốc giảm giá đã tác động lớn đến xuất khẩu sắn sang Trung Quốc của Sepon Group vì sẽ khiến giá sắn xuất khẩu sang Trung Quốc trở nên đắt hơn. Hiện tại, Công ty đang tính tới chuyện có thể sẽ phải đàm phán với nông dân giảm giá nguyên liệu thu mua một chút nữa, đồng thời đàm phán với đối tác nhập khẩu từ Trung Quốc để hai bên cùng chia sẻ thiệt thòi. Đối với ngành thép, từ đầu năm đến nay, lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào nước ta tăng vọt, đạt mức kỷ lục. Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Hồ Nghĩa Dũng nhận định: Mỗi năm, nước ta nhập khẩu khoảng sáu triệu tấn; trong đó, riêng Trung Quốc chiếm khoảng ba triệu tấn. Qua việc Trung Quốc hạ giá đồng tiền để khuyến khích xuất khẩu, sẽ báo trước nguy cơ thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào nước ta ồ ạt hơn, các DN thép vốn đã khó khăn càng thêm bội phần khó khăn.

Theo quan điểm của đại diện nhiều DN, việc giảm giá đồng NDT có lợi đối với các DN nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc và ngược lại, gây bất lợi đối với các DN xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc do giá cả sản phẩm cao hơn. Chính vì vậy, muốn tiêu thụ được hàng hóa, buộc các DN phải đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất lao động,… cũng như cắt giảm tối đa các chi phí mới có thể cạnh tranh và xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này. Nếu chúng ta không có các chiến lược dài hạn, hướng đi hợp lý sẽ rất khó cạnh tranh với các DN của Trung Quốc khi họ có tiềm lực về tài chính, thậm chí còn được hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ,… Dù một số DN Việt Nam có sức “đề kháng” tốt (có tiềm lực kinh tế) cũng chỉ chịu được áp lực ở chừng mực nào đó. Vì vậy, ngay từ lúc này, Chính phủ phải có giải pháp đối phó bằng các rào cản thương mại, kỹ thuật, phù hợp các hiệp định đã ký kết, đồng thời ngăn chặn hiệu quả hàng lậu nhập qua biên giới. Về phía DN, việc phải làm trước mắt là “thắt lưng, buộc bụng”, giảm giá đầu vào, giảm chi phí marketing,… Về lâu dài, DN cần nâng cao năng lực nội tại, đầu tư áp dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, chủ động tìm thị trường mới, kể cả nguồn nguyên liệu, hoặc hình thức thanh toán bằng đồng tiền có tính ổn định cao, tránh lệ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc.

Giá vàng tăng hơn một triệu đồng/lượng

Ngày 13-8, giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh. Đến 17 giờ, giá vàng SJC phổ biến bán ra ở mức 34,80 triệu đồng/lượng, tăng hơn một triệu đồng/lượng so với cuối phiên giao dịch ngày hôm trước. Cụ thể, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 34,40 triệu đồng/lượng (mua vào) và 34,80 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường TP Hồ Chí Minh, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 34,10 triệu đồng/lượng và 34,80 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Cùng thời điểm trên thị trường thế giới, giá vàng được niêm yết ở mức 1.117 USD/ao-xơ. Theo quy đổi ngoại tệ, giá vàng thế giới tương đương 29,65 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC trong nước hơn 5 triệu đồng/lượng.

Nguồn Nhân dân