Anh hùng Trương Định phất cao ngọn cờ khởi nghĩa chống Pháp

Ngay từ khi thực dân Pháp tiến công đánh chiếm Đà Nẵng (1858) rồi đến Gia Định (2 – 1959) và sau đó đách chiếm các tỉnh Nam bộ, trong đó có Định Tường thì các cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổi dậy khắp nơi chống lại kẻ thù chung của dân tộc. Trong các cuộc khởi nghĩa ấy đặc biệt có cuộc khởi nghĩa của anh hùng Trương Định khởi xướng đầu tiên làm cho Thực dân Pháp vô cùng khốn đốn, gặp nhiều tổn thất nặng nề.

Tranh diễn tả khởi nghĩa Trương Định chống Pháp

Tranh diễn tả khởi nghĩa Trương Định chống Pháp

Trương Định sinh năm 1820 tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Thân sinh của Trương Định là Trương Cầm. Vào thời Thiệu Trị, năm 1845 Trương Cầm được điều vào Gia Định, giữ chức Vệ úy thuộc Hữu Thủy vệ – chức võ quan bậc trung. Lúc này Trương Định cũng theo cha vào Nam sinh sống. Năm 1850, thực hiện chính sách di dân lập ấp của triều đình nhà Nguyễn, ông trở về quê nhà chiêu mộ người vào khai hoang tại Gò Công. Tuy xứ Gò Công lúc này có nhiều thuận lợi do khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, nhưng cũng gặp không ít khó khăn do còn hoang vu, thú dữ, rắn rết, cướp phá, khí hậu độc địa gây nhiều bệnh tật. Trong cuộc khai khẩn gian khó ấy với khí chất, tính cách của người Quảng Ngãi: kiên trì, gan góc, trọng chữ tín nhưng có phần ngang ngạnh Trương Định đã chung lưng đấu cật, đoàn kết một lòng với nhân dân biến vùng đất Gò Công hoang vu trở thành ruộng đồng tưoi tốt, trù phú. Vì có công mộ dân khai hoang lập ấp, Trương Định được bổ chức quản cơ (chức này đứng đầu một địa phương) rồi trở thành phó Lãnh binh (1861), Lãnh binh (1862). Do có uy tín và địa vị xã hội nên khi vừa dựng cờ khởi nghĩa Trương Định đã quy tụ được nhiều nghĩa quân và chỉ  trong một thời gian ngắn, cuộc khởi nghĩa Trương Định đã lan rộng hầu khắp 3 tỉnh miền Đông, được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ. Mặc dù triều đình Tự Đức phong làm lãnh binh tỉnh An Giang và buộc Trương Định phải giải tán nghĩa quân, chấm dứt cuộc kháng chiến, nhưng  ông đã vì nước vì dân, không tuân theo lệnh bãi binh của triều đình và thuận lòng dân nhận chức Bình Tây Đại Nguyên Soái của nhân dân tôn phong (9 – 1862). Với phương thức chiến đấu là lập căn cứ ở những nơi đất đai hiểm trở, đắp nhiều thành lũy, pháo đài, tạo thành thế liên hoàn, lấy yếu đánh mạnh, lấy tinh thần dân tộc làm sức mạnh để tấn công địch như các cuộc tập kích đồn Rạch Tra (Tây Ninh), Long Thành (Biên Hòa), tấn công 2 chiếc Lorcha tại Bến Lức, pháo thuyền Alarne và trận địa pháo trên rạch Gò Công, đốt chiếc Lorcha số 10 hay tập kích đồn Thuộc Nhiêu, đồn Rạch Kiến…nổi bật là trận tấn công Chợ Lớn – trung tâm kiểm sóat của thực dân Pháp lúc bấy giờ. Những cuộc chiến đấu này đã làm cho giặc Pháp  tiêu hao về sinh lực, hoang mang về tinh thần.
Rất tiếc, khi cuộc khởi nghĩa đang phát triển mạnh mẽ thì  bị tên việt gian Hùynh Công Tấn là thuộc hạ của Trương Định dẫn lính bao vây sát hại. Tuy bị dồn vào thế cùng nhưng Trương Định và nghĩa quân của ông chiến đấu tới hơi thở cuối cùng và quyết không để rơi vào tay giặc ông đã rút gươm tử tiết, bảo tòan khí tiết trong sự thương tiếc của nhân dân Gò Công nói riêng và nhân dân Nam kỳ nói chung.“Ôi !
Trời Bến Nghé mây mưa sùn sụt, thương đấng anh hùng gặp thuở gian truân.
Đất Gò Công cây cỏ ủ ê, cám niềm thần tử mắc nơi họa hại.
Xưa còn làm tướng, dốc rạng giồi hai chữ Bình Tây.
Nay thác về thần xin vâng hộ một câu phục thái”
(Nguyễn Đình Chiểu)Sau khi Trương Định hy sinh (20 – 8 – 1864), con ông là Trương Quyền tiếp tục xây dựng lực lượng, phối hợp với đồng bào dân tộc thiểu số người Xtiêng, M’nông và người Khơme kháng chiến.
Tóm lại, khởi nghĩa Trương Định là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong giai đọan đầu của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Tuy cuộc khởi nghĩa tồn tại trong thời gian ngắn (1859 – 1864) nhưng nó để lại nhiều ý nghĩa trên các mặt: Về sự quy tụ toàn dân đồng tâm hiệp lực cứu nước, về tính độc lập tự chủ của người lãnh đạo trong việc đề ra đường lối kháng chiến và cả sự phản kháng ly khai với triều đình yếu kém…Dựa trên những tiền đề trong khởi nghĩa Trương Định, các cuộc khởi nghĩa về sau đã kế thừa và nâng lên ở mức cao hơn.


Tượng chân dung Trương Định tại Bảo tàng Tiền Giang

Cảm kích trước tấm gương “Vì nước quên thân” của anh hùng dân tộc “Bình Tây Đại Nguyên Soái – Trương Định”, tại phía Nam của Tổ quốc  nhân dân đã lập nhiều đền thờ để nhớ công lao của ông:
* Lăng mộ Trương Định tọa lạc tại phường 1, Thị xã Gò Công, Tiền Giang (di tích dược công nhận cấp Quốc Gia).
* Đền thờ Trương Định tại ấp 2, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang ( di tích được công nhận cấp Quốc Gia).
* Miếu thờ Trương Định tại ấp 3 Rạch Già, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang.
* Miếu thờ Trương Định tại ấp 7, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang.
* Đền thờ Trương Định tại phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.
* Đền thờ Trương Định tại  Phước Hòa, Đồng Nai.

NGUYỄN MẠNH THẮNG
Phó Giám đốc Bảo Tàng Tiền Giang