5 lưu ý khi uống bia, rượu

Nghỉ lễ, có thể bạn sẽ khó từ chối cụng ly khi tổ chức tiệc tùng. Tuy nhiên, có 5 lưu ý mà bạn cần nhớ khi nâng ly để giữ cho cơ thể khỏe mạnh.

     

1. Dễ say nếu uống rượu cùng bia. Khi đã uống bất kỳ một loại rượu nào thì không nên dùng bia để uống chung để tránh phần lớn cồn trong rượu nhanh chóng được hấp thu sẽ rất hại dạ dày và làm bạn dễ bị say, đau đầu. Vì nồng độ cồn trong bia tuy có thấp nhưng thành phần nước và cacbonic lại nhiều, nên độ thẩm thấu cũng nhanh hơn. Do đó, khi uống rượu bia cùng một lúc sẽ làm cho lượng cồn thẩm thấu vào người nhanh hơn, gây kích thích mạnh. Việc này sẽ ảnh hưởng tới việc tạo men tiêu hóa, làm giảm dịch vị, gây ra các triệu chứng như co thắt dạ dày, viêm dạ dày, hành tá tràng cấp…

Riêng với uống bia, bạn không nên ăn hải sản vì các loại hải sản đều có hàm lượng đạm cao, trong các chất đạm của hải sản chứa nhiều purin và axit glycoisides rất dễ kết hợp với vitamin B1 có trong bia để tạo thành những hợp chất khó thải loại khỏi cơ thể. Lượng đạm thừa không được bài tiết đó sẽ đọng lại trong các khớp xương và mô cơ, gây nên chứng bệnh sưng nóng, đỏ đau các khớp và cơ. Tình trạng này nếu tái diễn nhiều lần và kéo dài sẽ làm tổn hại cho khớp, cụ thể là dẫn tới bệnh gút. Ngoài ra, những người đang trong thời gian uống thuốc cũng không được uống bia rượu vì nó sẽ ảnh hưởng tới sự phân giải và hấp thu thuốc. Bia có thể kết hợp với nhiều loại thuốc, gây tác dụng phụ, đặc biệt là với các loại thuốc kháng sinh, an thần, hạ huyết áp, chống tiểu đường và chống đông máu.
 
2. Chỉ uống khi no. Nếu bạn uống khi dạ dày trống rỗng, niêm mạc dạ dày và thực đạo bị chất cồn kích thích dễ phát sinh tổn thương làm cho dạ dày đau đớn, thậm chí có hiện tượng nôn mửa, chảy máu, lâu ngày dẫn tới viêm dạ dày cấp tính. Khi uống rượu, chất cồn sẽ gây cản trở hoạt động chuyển hóa đường của gan. Trong khi gan có nhiệm vụ chuyển hoá thức ăn thành đường cung cấp cho cơ thể. Việc cung cấp này phải diễn ra liên tục, vì nếu không cơ thể sẽ rơi vào tình trạng đường huyết thấp. Do đó, trước khi uống rượu cần phải ăn các thực phẩm giàu chất bột đường để điều hòa đường huyết, đồng thời còn có tác dụng nhanh chóng giảm bớt sự hấp thụ của cồn rượu, sự kích thích của cồn rượu vào dạ dày.
 
5 lưu ý khi uống bia, rượu 1

Bia rượu không thể thiếu trong cuộc vui nhưng hãy uống có chừng mực. Ảnh minh họa
 
3. Không uống trà, cà phê sau khi uống rượu. Thành phần chủ yếu của cà phê là cafein, nếu bạn uống vừa phải sẽ có tác dụng giúp cơ thể hưng phấn, nâng cao tinh thần và có lợi cho dạ dày. Nhưng nếu uống quá nhiều thì có thể bị trúng độc, nhất là sau khi uống rượu bởi cà phê có thể làm cho cồn rượu gây nguy hại cho cơ thể nhiều hơn, đặc biệt là đại não. Thoạt đầu, đại não cực kỳ hưng phấn rồi lại ức chế cực độ và kích thích huyết quản phình ra, đẩy nhanh tuần hoàn máu, tăng thêm gánh nặng cho huyết quản tim, gây nên tổn hại gấp mấy lần uống rượu bình thường.

Trà có tác dụng giải rượu, nhưng nó lại gây ra các tác hại khác cho tim mạch và thận vì rượu và nước trà đều có chất kích thích mạnh đối với tim. Với rượu, tim đã phải làm việc tăng lên, nay lại thêm trà vào tim lại phải hoạt động mạnh nữa, dẫn đến hưng phấn quá mức. Người trung niên và cao tuổi càng tránh dùng. Với thận, uống trà ngay sau khi uống rượu cũng làm cho thận phải làm việc quá mức để đào thải các chất kích thích. Việc đào thải đó không kịp sẽ dẫn đến việc ứ đọng chất cồn, lâu ngày dẫn đến dư thừa acid uric, gây bệnh sỏi thận.
 
4. Không mượn rượu để tăng ham muốn. Một số nam giới hay mượn rượu để tăng độ ham muốn giường chiếu. Tuy nhiên, trên thực tế, rượu không những không làm tăng thêm độ ham muốn mà ngược lại còn làm giảm chất kích tố, làm cho tính dục và năng lực của nam giới giảm đi rõ rệt.
Ngoài ra, bạn cũng không nên tắm sau khi uống rượu vì lúc này hoạt động của gan bị ức chế khiến lượng đường vào máu ít đi, tim đập nhanh và quá trình trao đổi chất gia tăng. Nếu sau khi uống rượu mà tắm ngay, nhất là tắm nước nóng, sẽ lại càng khiến tim đập nhanh hơn, quá trình trao đổi chất cũng tăng mạnh, lượng đường glucose dự trữ trong cơ thể bị tiêu hao nhiều, dẫn đến đường huyết giảm đột ngột, thân nhiệt cũng hạ nhanh, rất nguy hiểm cho tính mạng. Vì vậy, sau khi uống rượu phải nghỉ ngơi cho đến khi giã rượu, nhịp tim trở lại bình thường mới tắm.
 
5. Người nào nên kiêng?
 
– Người mắc bệnh tim mạch: Tuy người bị bệnh tim không phải kiêng cữ bia rượu tuyệt đối, nhưng cần uống có chừng mực và luôn xin lời khuyên của bác sĩ. Nhưng nếu bạn mắc bệnh cơ tim do rượu, thì bạn phải kiêng rượu bia hoàn toàn.

– Người mắc bệnh tiểu đường: Bệnh nhân tiểu đường nếu uống thức uống có cồn rất dễ bị hạ đường huyết. Đặc biệt đối với bệnh nhân đang dùng thuốc hạ đường huyết. Người mắc bệnh tiểu đường có đi kèm bệnh gan, bệnh gút, bệnh mắt, bệnh thận, bệnh tim tuyệt đối không dùng rượu, bia.

– Người bị kết sỏi ở niệu đạo: Trong quy trình sản xuất bia, quá trình lên men mạch nha làm xuất hiện nhiều chất tạo sỏi, do đó nếu uống bia càng thúc đẩy quá trình tạo sỏi đường tiết niệu vì vậy những người đang bị kết sỏi ở niệu đạo không nên uống bia.

-Người viêm dạ dày mãn tính: Sau khi vào cơ thể, bia sẽ gây chướng bụng trên, khiến bạn có cảm giác chán ăn. Hậu quả là bệnh viêm dạ dày càng nặng thêm. Những người bị loét dạ dày và tá tràng thường có nhiều axit dạ dày. Trong bia có nhiều CO2, khi vào cơ thể sẽ làm tăng axit dạ dày, gây đau bụng do vết loét kịch phát, thậm chí còn gây thủng ở nơi loét, đe dọa tính mạng.

– Người bị viêm gan: Khi vào cơ thể, chất cồn trong bia phải trải qua quá trình lọc và chuyển hóa ở gan. Các độc tố của bia sẽ tích tụ ở gan và làm cho bệnh ngày càng nặng thêm.