3 điều ước cho bóng đá Việt Nam trong năm mới .

     Vẫn biết những điều ước chỉ có trong những câu chuyện cổ tích, nhưng trong thế giới hiện đại cũng chẳng ai cấm đoán chuyện đưa ra những ước muốn. Và nếu như mỗi lần “ông Bụt” xuất hiện là có 3 điều ước thì với bóng đá Việt Nam trong năm 2012, chúng ta cũng cần 3 điều ước…

Điều ước thứ nhất: Bóng đá trong nước thực sự chuyên nghiệp

11 mùa giải đã qua của bóng đá Việt Nam, với hạng đấu cao nhất mang tên V-League, được gọi theo cách thông thường là “bóng đá chuyên nghiệp”. Tuy nhiên, trên thực tế, cách suy nghĩ, cách hành động của rất nhiều những nhân vật liên quan lại chưa xứng tầm với cái gọi là “chuyên nghiệp”.

Từ cấp độ quản lý ở tổ chức cao nhất là LĐBĐ (VFF) cho đến các đội bóng, các HLV, cầu thủ, trọng tài và kể cả các CĐV…, câu chuyện chuyên nghiệp chỉ là hình thức, trong khi thực hiện thì hoàn toàn “nghiệp dư”. Có quá nhiều vấn đề xảy ra nhưng xử lý một cách chậm chạp; chưa xóa được tư duy cục bộ, địa phương. Bạo lực xảy ra tràn lan trên sân cỏ. Cách làm việc vẫn mang nặng “bệnh thành tích”. Ngay cả khi có “trào lưu tiền thưởng” với sự xuất hiện của các ông bầu, của những cầu thủ ngoại cũng chưa làm thay đổi bộ mặt của bóng đá Việt Nam.

Vì thế, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phát triển với một tốc độ… “rùa bò”. Nếu nói về tính kiên nhẫn, đó hẳn là một điều lý tưởng. Dù vậy, trong sự phát triển như vũ bão của bóng đá hiện đại, bóng đá Việt Nam thậm chí còn bị tác động ngược bởi việc “dùng quá nhiều tiền làm động lực cho các cầu thủ”.

 Bóng đá chuyên nghiệp rất cần những nhân tố chuyên nghiệp (Ảnh: T.N)

Cùng với điều đó và những câu chuyện từ VFF, một cuộc cách mạng do các ông bầu thực hiện đã được tiến hành hồi giữa năm 2011 để thành lập ra Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), với nhiệm vụ tổ chức và điều hành các giải đấu trong nước. Sự xuất hiện của VPF và những ông bầu đầy nhiệt huyết đã mang lại những hi vọng lớn lao về “tính chuyên nghiệp thực sự” ở bóng đá Việt Nam.

Sau nhiều câu chuyện nảy sinh, đến hẹn lại lên, mùa giải mới – với tên gọi mới – Super League, đã khởi tranh từ cuối tháng 12-2011. Lúc này, 3 vòng đấu đã đi qua, thế nhưng, bất chấp những nỗ lực của lãnh đạo VPF và cả VFF, vẫn còn quá nhiều sự việc xảy ra trên khắp các sân cỏ. Vẫn là bạo lực, vẫn là pháo sáng, vẫn là những vấn đề từ trọng tài… liên tục xuất hiện trên báo giới. Đã có những án phạt được đưa ra, trong đó có nguyên nhân từ lối chơi triệt hạ đối phương, từ phản ứng trọng tài một cách dữ dội…

Năm mới đã sang, thôi thì cứ tạm nghĩ rằng, bỏ lại những gì đã qua, điều ước cho năm 2012 là một nền bóng đá chuyên nghiệp cho ra chuyên nghiệp – một thứ bóng đá đủ sức hấp dẫn để đưa các CĐV trở lại khán đài và đủ sức thu hút đem đến sự phấn khích.

Thực ra, nhiều người biết rằng, điều ước này có thể trở thành hiện thực, khi làm bóng đá chuyên nghiệp là những con người… thực sự chuyên nghiệp. Các ông bầu, Hội đồng quản trị VPF chuyên nghiệp là chưa đủ, bởi vẫn cần những HLV, cầu thủ, trọng tài và kể cả CĐV chuyên nghiệp nữa. Thế mới là khó.

Điều ước thứ hai: Đội tuyển nam vô địch AFF Cup

Trong năm 2011, đội tuyển bóng đá nam không tham dự một giải đấu lớn nào mà chỉ có một số trận vòng loại World Cup 2014 (và bị loại). Việc đội tuyển lọt vào Top 100 trên bảng xếp hạng FIFA, về lý thuyết, là điều đáng mừng, nhưng rõ ràng là nó không phản ánh đúng những vấn đề của bóng đá Việt Nam thời gian qua.

Chuyện của đội U23 tại SEA Games 26 ở Indonesia, chuyện liên quan đến VFF và HLV Falko Goezt nằm trong “tâm bão” ở nửa cuối năm 2011, để rồi, khi năm 2012 đến, chiến thuật gia người Đức không còn ở Việt Nam nữa, VFF cũng đã có những thay đổi thì đội tuyển quốc gia trở lại là tâm điểm chú ý với việc tham dự Giải bóng đá vô địch Đông Nam Á (AFF Cup) tại Malaysia và Thái Lan từ 24-11 đến 22-12.

 Đội tuyển bóng đá nam có thể chinh phục AFF Cup một lần nữa?
(Nguồn: bongda.com.vn)

Đội tuyển Việt Nam từng vô địch AFF Cup 2008 tại chảo lửa Mỹ Đình trước đối thủ số 1 trong khu vực là Thái Lan, nhưng chẳng ai ngờ rằng, ngay sau kỳ tích ấy, bóng đá Việt Nam đã chìm vào cuộc khủng hoảng lớn trên mọi phương diện.

Thất bại tại SEA Games 25 (Vientiane, Lào năm 2009) và bị “hạ bệ” ở AFF Cup 2010 đã khép lại triều đại của Henrique Calisto. Falko Goetz đến và đi chỉ sau 6 tháng như đã biết.

AFF Cup - sân chơi quốc tế lớn nhất trong năm 2012 đang bị bỏ trống cùng những câu hỏi lớn. Ai sẽ thuyền trưởng lái con tàu bóng đá Việt Nam tại AFF Cup tới? Vẫn là thầy ngoại hay sự tin tưởng được dành cho HLV nội? Rồi quá trình tập huấn theo kế hoạch ban đầu lên đến gần 3 tháng là đủ hay quá dài so với đòi hỏi về chuyên môn? Và đội tuyển Việt Nam sẽ gồm những gương mặt nào ở thời lực lượng đỉnh cao đang khan hiếm? Và mục tiêu nào sẽ được đặt ra - Vào chung kết, hay vô địch?…

Đó không phải là những câu hỏi dành cho CĐV hay báo giới, đơn giản bởi 2 lực lượng này chỉ có thể “ước” – một điều ước mà bất cứ ai cũng muốn, về chức vô địch.

Điều ước này không biết dễ hay khó, mà chỉ biết rằng, sau “cuộc bể dâu” của bóng đá Việt Nam, thời gian sẽ là câu trả lời.

Điều ước thứ ba: Thành tích ở sân chơi quốc tế

Năm 2012 sẽ không chỉ có đội tuyển bóng đá nam tham dự giải đấu quốc tế. Bóng đá Việt Nam vẫn còn có 2 CLB Sông Lam Nghệ An và Navibank Sài Gòn tham dự AFC Cup – giải đấu dành cho các CLB giành danh hiệu vô địch quốc gia và Cúp Quốc gia châu Á. Đây vẫn là một mặt trận mà bóng đá Việt Nam chưa để lại nhiều ấn tượng, một phần vì không ít CLB chỉ tham gia theo kiểu… nghĩa vụ.

B.Bình Dương từng vào bán kết năm 2009, SHB Đà Nẵng từng đến tứ kết năm 2010 là những thành tích tốt nhất của các CLB Việt Nam tại sân chơi châu lục. Năm nay, SLNA và N.Sài Gòn là những đại diện tham dự và vì thế, không chỉ CĐV của 2 CLB này mà người hâm mộ Việt Nam cũng muốn họ đạt thành tích tốt để bóng đá Việt Nam được “mở mày, mở mặt”.

 Bóng đá nữ tham dự 2 sự kiện quốc tế trong năm 2012
(Nguồn: bongda.com.vn)

Đội tuyển bóng đá nữ còn tham dự tới 2 sự kiện là vòng loại giải vô địch châu Á và giải vô địch Đông Nam Á. Trong giai đoạn chuyển giao thế hệ như hiện nay, các mục tiêu đề ra cần có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng; nhưng dù thế nào, điều ước với họ vẫn là “thành tích tốt nhất có thể”.

Tương tự như vậy, đội Olympic nam sẽ tham dự vòng loại U22 châu Á và đội U19 nam tham dự VCK giải U19 châu Á. Tất cả đều mong đợi các HLV, cầu thủ sẽ nỗ lực hết mình, thể hiện “tinh thần Việt Nam” trên đấu trường quốc tế - đó cũng là điều ước có thể thực hiện được.