240.000 trẻ em châu Á chết vì lũ lụt mỗi năm
Hàng năm, ước tính có khoảng 240.000 trẻ em dưới 17 tuổi ở châu Á chết đuối, vì một nguyên nhân rất đơn giản là chúng không biết bơi.
Chỉ trong tích tắc, dòng nước lũ đen ngòm đã nuốt chửng con gái của anh Nguyễn Phước Hiền. Cô bé 3 tuổi đang chơi vui vẻ, trong khi người dì thì bận học, nhưng không hiểu bằng cách nào cô bé lại trượt ngã ở bên ngoài ngôi nhà nằm ở phía Nam đồng bằng sông Cửu Long.
Sau khi cho lợn ăn và trở về nhà, vợ anh Hiền mới biết đứa con út đã biến mất. “Cô ấy hoảng loạn tìm kiếm xung quanh. Hàng xóm cũng xúm vào giúp chúng tôi tìm kiếm con bé. Khoảng một tiếng sau thì thi thể của con bé được tìm thấy ở một con kênh gần nhà”, anh Hiền nhớ lại.
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, trẻ em chiếm khoảng 1/4 trong số gần 800 người chết kể từ tháng 7 ở Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Lào và Philippines. Khu vực này vừa bị tàn phá bởi trận lũ lụt tồi tệ nhất trong vòng vài thập kỷ qua.
Nhiều trẻ em chết đuối ở châu Á vì chúng không được học bơi. |
Con số 240.000 trẻ em chết đuối hàng năm vì lũ lụt tương đương với tổng số ca tử vong vì thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004. Tuy nhiên, các trường hợp chết đuối hàng ngày này lại ít khi nhận được sự quan tâm đúng mức.
“Những người thiệt mạng trong trận sóng thần được đưa vào báo cáo, vì họ chết đuối trong cùng một khu vực, tại một thời điểm từ 6 đến 8 tiếng và mọi người đều choáng váng vì con số đó là quá lớn”, Michael Linnan, Giám đốc kỹ thuật của tổ chức Liên minh vì Sự an toàn Trẻ em (TASC) ở Bangkok cho hay. Linnan là người chuyên nghiên cứu về tình trạng chết đuối của trẻ em.
Trong mùa lũ lụt, trẻ em có thể dễ dàng bị ngã xuống nước khi chơi hoặc lội trong nước, nơi chúng không biết có nguy hiểm gì đang rình rập mình dưới mỗi bước chân. Một vài đứa ngã xuống những con kênh hay con suối chảy xiết ở trong sân nhà hay trong làng. Vài đứa khác thì bị sảy chân ở hiên nhà hay cửa sổ và ngã xuống khoảng nước bao quanh ngôi nhà, có khi vào cả ban đêm. Một vài đứa trẻ đã chết đuối mà không được ai chú ý, vì bố mẹ chúng đang bận với việc cứu vớt gia súc, mùa màng hay một số đồ đạc quan trọng với sự sống còn của gia đình.
Mưa lớn đã làm nước ở các con sông dâng cao, tràn qua những con đập và con kênh trong vùng, trong khi những cơn bão liên tiếp gây thiệt hại cho Philippines, Trung Quốc và Việt Nam. Khoảng 1,6 triệu hecta ở Thái Lan đã bị chìm trong trận lũ lụt tồi tệ nhất nửa thế kỷ qua. Trong khi đó, nước lũ đang tràn vào bên trong thủ đô Bangkok, thành phố có hàng triệu người dân đang hoang mang đi sơ tán.
Theo Ủy ban phòng chống lụt bão quốc gia Việt Nam, ở đồng bằng sông Cửu Long, 49 trong số 57 người chết kể từ tháng 8 là trẻ em. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, ở nước láng giềng Campuchia, ít nhất 80 trẻ em thiệt mạng vì lũ lụt, trong khi con số ở Thái Lan là hơn 50 em, hầu hết trong số đó là bị chết đuối. Myanmar cũng vừa chịu thiệt hại nặng nề vì lũ lụt, nhưng không có số liệu cụ thể số trẻ em thiệt mạng ở nước này.
“Thật đau đớn khi phải nhìn thấy nhiều đứa trẻ bị chết đuối”, Lê Văn Hùng, một quan chức của tỉnh Đồng Tháp cho biết. “Tất cả chúng đều sinh ra trong những gia đình nghèo khổ, nơi bố mẹ chúng phải vật lộn với việc kiếm sống nên không có thời gian để trông nom con cái”.
Linnan cho hay, khoảng 3/4 số trẻ em khắp Châu Á chưa bao giờ được học bơi, mặc dù chúng sống trong những vùng nhiệt đới với hệ thống sông ngòi và kênh rạch chằng chịt. Dù chết đuối là nguyên nhân hàng đầu gây ra cái chết cho trẻ em, nhưng nó này vẫn không nhận được sự quan tâm hay hỗ trợ đúng mức, vì chỉ khoảng 15% tới 25% số lượng các ca chết đuối được thông báo tới hệ thống y tế. Người dân thường không cần giấy chứng tử và chỉ đơn giản đem chôn các trẻ bị chết đuối. Vì chúng không được đưa tới bệnh viện hay cơ sở y tế, nguyên nhân gây ra cái chết cũng không được thống kê. Điều đó cho thấy, chết đuối ở trẻ nhỏ vẫn bị đánh giá thấp ở khu vực Châu Á.
Ở nhiều khu vực, người lớn ngại cho trẻ em học bơi vì văn hóa sợ nước. |
Justin Scarr, ủy viên của Liên đoàn cứu sinh quốc tế (International Life Saving Federation) cho hay, có những đứa trẻ lớn lên ở khu vực “nước còn nhiều hơn đất”, trong khi nỗi sợ nước có liên quan tới văn hóa ở nhiều vùng mà tổ chức của ông đang dạy kỹ năng bơi cho trẻ em. “Nhiều người khi nghĩ đến nước và chết đuối là sợ, vì thế họ không cho trẻ em tiếp xúc với nước ngay cả điều cơ bản như dạy cho chúng biêt bơi”.
Một nửa số ca chết đuối diễn ra ở những trẻ dưới 5 tuổi, lứa tuổi được cho là quá nhỏ để học bơi. Bởi vậy, giáo dục cộng đồng là chìa khóa để giảm thiểu các trường hợp chết đuối. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc dựng nhà trẻ để trông nom trẻ em vì bố mẹ chúng bận việc, có thể giảm thiểu hơn 80% các ca tử vong vì chết đuối.
Bây giờ thì đã quá muộn với gia đình anh Hien. Họ vừa phải hứng chịu nỗi đau đeo đẳng mãi mãi chỉ vì một phút bất cẩn. Hien (31 tuổi) chỉ kiếm được chừng 2 triệu đồng mỗi tháng từ việc đánh cá và vài việc vặt khác.
“Chúng tôi không lường được con gái mình sẽ bị chết đuối. Gia đình tôi rất đau đớn vì sự ra đi của con bé”, Hien nói
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.